image banner
Admin
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC của tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc tuân thủ thời gian giải quyết. Bộ TTHC của các ngành được rà soát, công bố kịp thời, thời gian giải quyết rút ngắn rất nhiều so với quy định của Trung ương. Chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến ngày càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng mong đợi của người dân, doanh nghiệp. Tình trạng hồ sơ trễ hen vẫn còn, việc tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân còn nhiều hạn chế.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu tại Hội thảo cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Để đẩy mạnh cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh, ngày 25/6/2022, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 16 - CT/TU về đẩy mạnh cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh, theo đó Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách TTHC như sau:

Thứ nhất, tổ chức thực hiện công tác cải cách TTHC một cách thực chất và có hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương nói chung, trong công tác cải cách TTHC nói riêng. Có giải pháp cụ thể, thực chất phát huy vai trò, hiệu quả các hoạt động của Trung tâm Điều hành thông minh nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác cải cách TTHC, nhiệm vụ xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp và hiện đại; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, về trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về cải cách TTHC; kết quả thực hiện, cách làm hay, sáng kiến của tổ chức, cá nhân và những nỗ lực của chính quyền các cấp trong công tác cải cách TTHC; tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội cùng chung tay tham gia thực hiện cải cách TTHC.

Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và nhiệm vụ cải cách TTHC mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị; ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC để tập trung thực hiện có chất lượng, hiệu quả, trong đó cần bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, như: Rà soát, xây dựng bộ TTHC thực sự đơn giản, dễ thực hiện; quy trình, cách thức giải quyết phải tinh gọn; sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC phải chặt chẽ, hiệu quả, loại bỏ các khâu trung gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp rút ngắn thời gian cũng như chi phí gia nhập thị trường cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công bằng, minh bạch; loại bỏ hoặc kiến nghị loại bỏ các giấy phép con. Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC theo nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện. Kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp quan liêu, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nghiêm cấm các hành vi không trung thực trong quá trình giải quyết TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình giải quyết TTHC; 100% TTHC từ khâu tiếp nhận và trả kết quả phải được số hóa và xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật và những hồ sơ chưa thể số hóa). Tăng cường triển khai thanh toán trực tuyến, đến hết năm 2022, đạt 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. Đến năm 2025, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Thiết lập các kênh thông tin hiệu quả để theo dõi, tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định, thủ tục và công tác giải quyết TTHC. Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến TTHC đều phải được tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời theo đúng quy định. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC hàng năm đạt tối thiếu 95% trở lên, trong đó mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%.

Thứ năm, định kỳ và thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng; đánh giá hiệu quả, kết quả cải cách TTHC của các cơ quan, đơn vị, trong đó chú trọng công tác kiểm soát, đơn giản hóa TTHC, việc công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh./.

Vũ Thị Phưởng - CĐCS Sở Nội vụ

Trang chủ | Cơ cấu tổ chức | Tin tức hoạt động | Lịch công tác | Tuyên giáo | Nữ công | Tài chính | Văn bản | Liên hệ

 

Trang thông tin điện tử Công đoàn Viên chức tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Số 776, Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Đỗ Chiến Thắng - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh

 Điện thoại: 02713.880.579

 Email: congdoanvienchucbp@gmail.com 

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị