Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; công
tác phát triển số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình trên địa bàn
tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao số ngươi tham gia
BHYT, hướng tới BHYT toàn dân.
Thực
hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Luật BHYT quy định, người dân được tham
gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, gồm: Toàn bộ thành viên của một hộ gia đình
đăng ký thường trú, tạm trú, trừ đối tượng đã được cấp thẻ BHYT ở các nhóm đối
tượng khác và người đã khai báo tạm vắng. Tham gia BHYT hộ gia đình từ người
thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng. Quy định này nhằm bảo vệ, chăm sóc
sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình, hướng tới mục tiêu chăm sóc
sức khỏe toàn dân. Đồng thời, khắc phục tình trạng nhiều gia đình chưa có ý thức
tham gia BHYT cho toàn bộ thành viên để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro với
người khác mà chỉ chọn tham gia BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mãn
tính.
Hội nghị truyền thông khách hàng nhằm phát triển người tham gia bảo hiểm
xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng tại xã Tiến Hưng
Để khuyến khích người dân tham gia BHYT theo
hình thức hộ gia đình, Nhà nước đã có quy định giảm dần số tiền đóng từ thành
viên thứ hai trong gia đình. Cụ thể, người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở
(mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng): 105.300 đồng/tháng (1.263.600 đồng/năm),
người thứ hai đóng 70% mức đóng của người thứ nhất: 73.710 đồng/tháng (884.520 đồng/năm),
người thứ ba đóng 60% mức đóng của người thứ nhất: 63.180 đồng/tháng (758.160 đồng/năm),
người thứ tư đóng 50% mức đóng của người thứ nhất: 52.650 đồng/tháng (631.800 đồng/năm);
người thứ năm trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất: 42.120 đồng/tháng (505.440
đồng/năm).
Cùng với đó, quy định tham gia BHYT hộ gia
đình không bắt buộc cả hộ gia đình đóng tiền cùng một thời điểm mà mua nhiều
lần trong năm tài chính vẫn được giảm trừ mức phí từ thành viên thứ hai trở đi.
Thời gian tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12
tháng một lần… Quy định này sẽ giảm gánh nặng về tài chính cho người dân khi
tham gia BHYT cho nhiều thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ
được cơ quan BHXH hướng dẫn để đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu, được đổi nơi
đăng ký ban đầu vào đầu mỗi quý; người dân khi tham gia BHYT khi khám chữa bệnh
sẽ được cơ quan BHXH thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo Luật BHYT; được cơ
sở khám chữa bệnh BHYT và các cơ quan có liên quan giải thích, cung cấp thông
tin về chế độ BHYT…
Để nâng cao nhận thức của người dân về ý
nghĩa, lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT, đồng thời để người dân được chăm
sóc sức khỏe, tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại; thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ
các giải pháp phát triển mở rộng số người tham gia BHYT nói chung, BHYT hộ gia
đình nói riêng. Theo đó, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành,
các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú,
đa dạng; phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn
tại hộ gia đình; đẩy mạnh hình thức tuyên truyền theo nhóm tại cơ sở theo quy
mô, thời gian phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương; tăng cường
tuyên truyền trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo của ngành BHXH tỉnh).
Tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường đăng tải,
phát sóng các tin, bài, chuyên mục về chính sách BHYT hộ gia đình. Mở rộng mạng
lưới tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT;
tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, vận
động cho nhân viên đại lý thu để nâng cao chất lượng tuyên truyền tại cơ sở...
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh tiếp tục
đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh BHYT, nâng cao tinh thần, thái độ
phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giải quyết nhanh chóng, kịp
thời các chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu UBND tỉnh giao
cho từng địa phương, BHXH các huyện, thị xã đã chủ động tham mưu UBND các
huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT hộ gia
đình phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và giao chỉ tiêu tới từng xã,
phường, thị trấn…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ người dân
tham gia BHYT hộ gia đình ngày càng tăng. Tính đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có
gần 216 ngàn người tham gia BHYT hộ gia đình, chiếm 23% trong tổng số người
tham gia BHYT.
“Mình
vì mọi người, mọi người vì mình”
Trong xu hướng giá viên phí ngày một tăng cao,
nhờ tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhiều người dân được khám, chữa bệnh, được
chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm gánh nặng về viện phí để yên tâm điều trị bệnh;
nhất là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh mạn tính, hiểm nghèo.
Được sự tư vấn của nhân viên đại lý thu Bưu
điện tỉnh; chị Phạm Thị Bích Hồng (57 tuổi, ngụ tại khu phố Phú Thanh, phường
Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tham gia BHYT cho gia đình từ
nhiều năm nay. Ngoài hai con của chị đang tham gia BHYT bắt buộc, chị tham gia
BHYT cho bản thân chị và chồng chị. Chị Hằng cho biết: “Chúng tôi luôn xác định
tham gia BHYT là việc ưu tiên hàng đầu, đó là “lá bùa hộ mệnh” cho gia đình khi
chẳng may các thành viên trong gia đình bị ốm đau, bệnh tật. Hai năm trước, bản thân tôi và chồng tôi
bị bệnh thoát vị đĩa đệm phải mổ,
chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ có thẻ BHYT nên vợ chồng tôi
chỉ đóng vài chục triệu, giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình tôi”
Tương tự, chị Bùi Mỹ Tiên (ở xã Thuận Lợi,
huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cũng tham gia BHYT cho 05 thành viên trong gia
đình. Chị Tiên chia sẻ “Tham gia BHYT là thể hiện tinh thần “mình vì mọi người và mọi người vì mình”,
vì vậy tôi đã tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình. Đến nay, vợ
chồng tôi và các con tôi chưa sử dụng đến thẻ BHYT nhưng cha mẹ tôi tuổi đã
cao, bệnh tật nhiều nên thường xuyên đi bệnh viện để điều trị. Thẻ BHYT chính
là điểm tựa, giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình tôi”.
Vẫn
còn nhiều khó khăn…
Có thể thấy, việc tham gia BHYT đã và đang
mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều
người dân vẫn chưa tham gia BHYT cho bản thân và gia đình. Nguyên nhân là do: Nhận
thức của một bộ phận người dân về chính sách BHYT chưa cao, còn có tâm lý trông
chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đến khi ốm đau, bệnh tật mới “cuống
cuồng” tham gia BHYT. Mặt khác, đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn
khó khăn, không có điều kiện tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình.
Thiết nghĩ, chính sách BHYT là một trong những
chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mang
ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, góp phần tạo sự công
bằng và phát triển bền vững trong công
tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để phấn đấu đến hết năm 2024, toàn
tỉnh có trên 94% dân số tham gia BHYT do Hội đồng nhân dân tỉnh giao tại Nghị
quyết số 21/2023/NQ-HĐND; ngoài sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh, rất
cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, của cả hệ
thống chính trị trên địa bàn tỉnh và mỗi người dân cần nâng cao ý thức “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”
chủ động tham gia BHYT để cùng hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Hồ Thị Thúy Ái