image banner
Admin
THỜI GIAN NGHỈ TỐI ĐA VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ F0

Người lao động nghỉ việc do mắc COVID-19 (F0) cần có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Cán bộ, giáo viên CĐCS Trường Cao đẳng Bình Phước lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Liên quan tới việc nghỉ theo chế độ ốm đau, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã nêu rõ điều kiện.

Theo đó, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Về thời gian hưởng chế độ ốm đau, Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội nêu rõ, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể:

Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

Trường hợp người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Bên cạnh đó, người lao động là F0 có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ phép hằng năm. Thời gian nghỉ phép năm vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

Theo Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp người lao động làm việc đủ 12 tháng thì được giải quyết số ngày phép như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 

Ngoài ra, Điều 114 Luật Lao động cũng quy định ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc:

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ Luật Lao động được tăng thêm tương ứng 1 ngày.

Theo laodong.vn

Link bài gốc: https://laodong.vn/cong-doan/thoi-gian-nghi-toi-da-voi-nguoi-lao-dong-la-f0-1018479.ldo

 

Trang chủ | Cơ cấu tổ chức | Tin tức hoạt động | Lịch công tác | Tuyên giáo | Nữ công | Tài chính | Văn bản | Liên hệ

 

Trang thông tin điện tử Công đoàn Viên chức tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Số 776, Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Đỗ Chiến Thắng - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh

 Điện thoại: 02713.880.579

 Email: congdoanvienchucbp@gmail.com 

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị